05/06/2019

14553

Giảng viên TC- NH Đại Nam chỉ cách phân biệt tiền thật tiền giả

Công nghệ ngày càng phát triển, cùng với những thủ thuật chụp, copy, xử lý bằng phần mềm… đã cho ra đời những tờ tiền giả càng ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán tiền giả qua biên giới (đặc biệt là từ biên giới Trung Quốc về Việt Nam) ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cho đến nay, tiền thật vẫn có một số yếu tố mà tiền giả không bắt chước được. Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết phân biệt tiền thật và tiền giả.
- ThS. Nguyễn Thị Nguyệt Loan (Khoa Tài chính - Ngân hàng ĐH Đại Nam)
 
Hẳn các bạn đều biết, tiền rách chúng ta có thể được đổi ở ngân hàng, nhưng nếu chẳng may bạn cầm phải tiền giả thì sẽ bị tịch thu ngay và tiêu hủy, Vậy nên, hãy hết sức cẩn thận.
 
Công nghệ ngày càng phát triển, cùng với những thủ thuật chụp, copy, xử lý bằng phần mềm… đã cho ra đời những tờ tiền giả càng ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán tiền giả qua biên giới (đặc biệt là từ biên giới Trung Quốc về Việt Nam) ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cho đến nay, tiền thật vẫn có một số yếu tố mà tiền giả không bắt chước được. Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết phân biệt tiền thật và tiền giả.
 
Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm giúp nhận biết, phân biệt tiền thật và tiền giả Việt Nam đồng bằng tay, bằng mắt, thậm chí bằng mũi… đơn giản khi chúng ta sử dụng tiền tệ trong các giao dịch hàng ngày mà không có các máy móc hay phương tiện chuyên môn hỗ trợ.
 

Vài nét về tiền mặt Việt Nam Đồng (VND)

Hệ thống tiền mặt đang lưu thông trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay bao gồm tiền giấy và tiền xu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền phát hành. Đây là đồng tiền pháp định, được dùng làm phương tiện thanh toán không hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam.

Do sự thiếu đồng bộ và phù hợp với thực tiễn lưu thông tiền tệ, tiền xu Ngân hàng Nhà nước phát hành từ cuối năm 2003 đến nay vẫn là một trong những hình thức thanh toán hợp lệ, cả 5 mệnh giá, nhưng đã dần “vắng bóng” khỏi các giao dịch mua bán hàng ngày. Tháng 4/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tạm thời ngừng phát hành thêm tiền xu vào lưu thông. Và cho đến tháng 5/2019, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành bán đấu giá hơn 600 tấn phế liệu tiền kim loại sau tiêu hủy. Bên cạnh đó, do lạm phát so với thời điểm phát hành, khiến các đồng tiền mệnh giá nhỏ 100 đồng, 200 đồng thậm chí 500 đồng tiền giấy cotton cũng ít xuất hiện dần trong lưu thông.
 
 
Một số cách đơn giản nhận biết, phân biệt tiền giả trong lưu thông VND

Chủ yếu trong lưu thông tiền tệ hiện nay, chúng ta thường sử dụng các loại tiền giấy. Bộ phận tiền giấy cotton có mệnh giá nhỏ hơn (5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng) còn bộ phận tiền giấy polymer có mệnh giá lớn hơn (từ 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và cao nhất là 500.000 đồng). Trong đó, các loại tiền bị làm giả chủ yếu là tiền giấy polymer mệnh giá lớn, hay gặp nhất là tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng và 100.000 đồng. Gần đây theo thông báo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong tháng 5/2019, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xuất hiện loại tiền giả mệnh giá 50.000 đồng. Tuy nhiên, đáng chú ý, cả 3 loại tiền polymer giả này chưa làm giả các yếu tố bảo an như nét in nổi, hình bóng chìm, hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ, lớn, mực không màu phát quang.

Vậy yếu tố bảo an là gì? Cách nhận biết các yếu tố bảo an trên tiền thật phân biệt và phát hiện ra tiền giả trong quá trình lưu thông như thế nào?

VND cũng như mọi tiền tệ khác đều có các yếu tố bảo an đặc trưng. Yếu tố bảo an là các yếu tố được thiết kế, in ấn nhằm bảo đảm tính an toàn cho tờ tiền, giúp tránh, giảm thiểu nguy cơ bị làm giả. Thông thường trên 1 tờ tiền giấy polymer VND hiện nay có từ 12 đến 15 yếu tố bảo an. (Tham khảo các yếu tố bảo an trên tờ tiền mẫu 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng dưới đây)
 
 
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Vậy làm thế nào để nhận biết được các yếu tố bảo an này?

Cách 1: Bằng mắt thường, ta có thể dễ dàng nhận biết được 1 số yếu tố bảo an cơ bản sau:
  1. Đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm (2) và hình định vị.
  • Ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền: hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền giấy, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo; dây an toàn có các chữ và số rõ ràng, sắc nét và sáng hơn màu nền xung quanh. Hình định vị trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau (nhìn thấy từ hai mặt).
  • Ở tiền giả sẽ không có hình bóng chìm và dây an toàn; hoặc hình bóng chìm không tinh xảo như tiền thật, chỉ là hình mô phỏng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên bề mặt; các chữ, số trên dây an toàn không rõ ràng, sắc nét và tối hơn nền giấy. Hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.
b. Chao nghiêng tờ tiền để kiểm tra yếu tố mực đổi màu (OVI), yếu tố IRIODIN và hình ẩn nổi

  • Ở tiền thật: Yếu tố OVI có màu vàng đất khi nhìn thẳng và chuyển dần sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng. Yếu tố IRIODIN là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng tờ tiền. Hình ẩn nổi sẽ được nhìn thấy khi ta đặt tờ bạc nằm ngang tầm mắt thấy chữ “VN” nổi rõ ở mệnh giá 200.000đ, 10.000đ, chữ “NH” ở mệnh giá 50.000đ, 20.000đ
  • Ở tiền giả: Không có yếu tố mực đổi màu, hoặc in giả màu vàng/xanh lá cây nên không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; không có dải màu vàng lấp lánh khi chao nghiêng tờ tiền.
  1. Quan sát các cửa sổ trong suốt trên tờ tiền:
  • Kiểm tra hình dập nổi trên cửa sổ lớn: ở tiền thật, hình dập nổi là cụm số mệnh giá được dập nổi tinh xảo, tiền giả không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn, nếu có chỉ là các nét dập thô, không tinh xảo như tiền thật.
  • Kiểm tra hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ bằng cách đưa cửa sổ tới gần mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ và hướng vào nguồn ánh sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa ...) sẽ thấy hình ẩn hiện lên xung quanh nguồn sáng. Nếu là tiền giả, trong cửa sổ nhỏ sẽ không có hình ẩn (DOE) như tiền thật.
 
Cách 2: Nhận biết bằng tay, chúng ta dùng tay vuốt nhẹ tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in nổi(4)

Ví dụ tại các vị trí: dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá...). 
  • Ở tiền thật: Tay ta sẽ có cảm giác nhám, ráp khi vuốt lên các chi tiết này.
  • Ở tiền giả: Ta chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật.
Cách 3: Một số cách nhận biết tiền giả khác

Bạn đã bao giờ thử nhận biết tiền giả bằng tai chưa? Cách này nghe có vẻ hơi lạ nhỉ. Nhưng đây là cách thường hay được sử dụng và khá hiệu quả đấy. Dựa trên đặc tính về chất liệu làm tiền (Polymer) có tính đàn hồi khá tốt, chúng ta có thể nhận biết, phân biệt tiền thật tiền giả bằng cách để trước tai vẩy vẩy. Nếu là tiền giả thì thường cứng và khô, khi vẩy ta sẽ nghe tiếng tách tách, tiền thật thì mềm ko có tiếng.

Hoặc bạn có thể nắm trong tờ tiền trong tay rồi thả ra. Nếu là tiền thật, tờ tiền sẽ nhanh chóng trở lại hình dạng ban đầu. Còn tiền giả, thường làm bằng nilon nên sẽ bị nhàu và không có khả năng đàn hồi lại hình dạng ban đầu.

Và bạn cũng có thể ngửi tờ tiền dể phân biệt tiền giả và tiền thật nữa nhé!
 
  • Tiền thật: Ở tờ tiền polymer thật có mùi polyme rất đặc trưng, thơm và rất dễ nhận biết.
  • Tiền giả: Không có mùi polymer, nó có mùi nhựa hoặc mùi bao ni -lon khá nồng, ngửi rất khó chịu. Đây chính là phương pháp phân biêt tiền thật - giả nhanh nhất. Các nhân viên ngân hàng và bưu điện rất hay sử dụng phương pháp này.
Ngoài ra một số bạn bè của tôi cũng chia sẽ những cách nhận biết được tiền giả bằng cách ghi nhớ các chữ đầu trong seri của các tờ tiền, các bạn có thể tham khảo thêm nhé. Ví dụ, hiện nay có một số tiền giả đã được thu giữ bởi các cơ quan chức năng có các chữ đầu seri như sau:
 
Loại mệnh giá tiền Vần seri
500.000 đồng MA, MI; FG, WY, FQ, JM, LV, GZ, HE, IM, MN, PL, PM, PV, QF, QS, TK, YU
200.000 đồng HS, SA, BP, AT, BS
100.000 đồng YA, YI, GX, LF
50.000 đồng WP, SA, XP, VR, VU (mới nhất)
     
 
Đúng là tiền giả ngày nay đã rất tinh vi, thậm chí màu sắc và các chi tiết hoàn thiện gần như rất giống tiền thật. Ví dụ như tờ 200.000 đồng vần seri BP hiện là khó phát hiện nhất, chất liệu khá tốt, 01 mặt được làm nhám như thật, mặt kia thì vẫn trơn. Nếu là tiền mới thực sự khó để phát hiện. Hay như tờ 100.000 đồng vần seri LF mới đây cũng khá khó phát hiện, tờ này so với tiền thật chỉ cứng hơn một chút, màu mực thì gần như giống nhau, mà cửa sổ trong lớn cũng được in 100.000 nổi rất khớp luôn.

Từ thực tế đó,  đòi hỏi mỗi chúng ta cần trang bị thêm cho mình những kỹ năng nhất định để có thể nhận biết được tiền giả ngay cả khi không có các phương tiện hỗ trợ chuyên môn như máy soi tiền hay đèn tím. Hi vọng bài viết này đã cung cấp được cho các bạn những “bí kíp” bỏ túi rất đơn giản mà hiệu quả để nhận biết tránh bị nhầm lẫn hay bị lừa đảo.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. https://www.sbv.gov.vn
  2. https://tinmoi24.vn
  3. https://ub.com.vn/